Banner

(TTV) Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá (tăng bình quân trên 4,3%/năm). Kết quả này là cả một quá trình nỗ lực và quyết tâm của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học về “Lấy dân làm gốc”, “trọng dân, gần dân, gắn bó với dân và vì dân” đã được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa bằng việc phân công cán bộ khuyến nông đến cơ sở hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất theo khoa học kỹ thuật; Xây dựng các mô hình để nhân dân học tập, thực hiện. Từ năm 1995 đến nay, mỗi xã, mỗi thôn bản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều có một cán bộ khuyến nông phụ trách trực tiếp hướng dẫn người dân sản xuất.


Với những cán bộ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngành đã đẩy mạnh phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bước vào thời kỳ đổi mới, toàn ngành đã tập trung thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. 


Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm cây cam, chè, mía, lạc và cây lâm nghiệp. Đã có 45 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp và có trên 250 hợp tác xã, 875 trang trại hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. 

 

 

Với những giải pháp cụ thể trong phát triển nông nghiệp mà giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, tăng bình quân trên 4,3%/năm và Tuyên Quang đứng thứ 3 trong nhóm 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước gần 0,7%. Diện mạo nông thôn của tỉnh có nhiều đổi mới. Toàn tỉnh hiện có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên trên 13 tiêu chí/xã.


Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn được hình thành không chỉ tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn mà còn dệt nên bức tranh tươi đẹp và no ấm trên khắp các bản làng. Tạo tiền đề quan trọng để Tuyên Quang hoàn thành mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và đang trên con đường trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc./.

 

 Thu Thường – Lê Thắng