Banner

Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam và những lỗ hổng pháp lý

Những vụ vi phạm pháp luật do người nước ngoài thực hiện gần đây cho thấy chúng ta còn những sơ hở trong công tác quản lý các đối tượng này.

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ án trộm cắp, lừa đảo, tổ chức đánh bạc, buôn bán, vận chuyển và sản xuất ma túy do người nước ngoài thực hiện. Thực tế trên cho thấy, chúng ta còn những sơ hở trong công tác quản lý các đối tượng này.

 

Lực lượng công an bắt giữ các đối tượng trong vụ hơn 380 người
Trung Quốc tham gia tổ chức điều hành các website tổ chức cho công
dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến tại Hải Phòng

 

Mới đây, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ một số đối tượng mang quốc tịch Nigeria, thu giữ gần 10kg ma túy đá. Trước đó, tại Nghệ An, Hà Tĩnh, công an phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thực hiện việc cài đặt các thiết bị lấy cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả, chiếm đoạt tài sản của các chủ thẻ.

 

Hay tại Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Kon Tum, nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng khác do người nước ngoài thực hiện với quy mô lớn như tổ chức sản xuất phim khiêu dâm, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, thậm chí lập cả công xưởng với hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất số lượng lớn ma túy. Sự gia tăng tội phạm người nước ngoài đã dấy lên lo lắng, bất an cho người dân và an toàn cho xã hội.


Theo nhiều chuyên gia, thực trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, nhất là người Trung Quốc, xảy ra ngày càng nhiều với những thủ đoạn tinh vi gây bất ổn cho an ninh, trật tự, thiệt hại lớn về tài sản và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Hiện tượng này là mặt trái của sự mở rộng, giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

 

Nhận thức rõ điều này, cơ quan chức năng đã và đang tìm những giải pháp hữu hiệu cả về mặt pháp luật, quản lý, giám sát để đấu tranh ngăn chặn.
Nói về nguyên nhân của tình trạng gia tăng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện nghiên cứu Nhà nước pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, nguyên nhân từ sự khiếm khuyết của pháp luật khi chưa có những quy định cụ thể đối với việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.


“Về tổng thể thì pháp luật của Việt Nam cũng đã tương đối đầy đủ và cơ bản đã toàn diện. Tuy nhiên, đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, tôi cho rằng vẫn còn những điểm mà chúng ta còn thiếu hoặc chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam có thể lợi dụng những kẽ hở như vậy để vi phạm pháp luật, thậm chí thực hiện hành vi tội phạm”- TS Đinh Thế Hưng cho biết. 

 

Nhóm đánh bạc qua mạng do người Trung Quốc điều hành bị Công an quận
Sơn Trà, TP Đà Nẵng phát hiện cuối năm 2018.

 

Vấn đề không chỉ nằm ở các quy định pháp luật mà là năng lực quản trị chưa theo kịp xu thế. Hiện số người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư, lao động rất lớn. Song chúng ta mới chỉ quản lý, nắm bắt được con số nhập cảnh, còn những đối tượng này vào nội địa đi đâu, làm gì và nhân thân của họ ra sao lại không biết và không quản lý được. Vì vậy, đã xảy ra hiện tượng hàng trăm người nước ngoài thuê cả khách sạn hay chung cư để hoạt động phạm tội mà không ai hay biết. 


Thực tế này được ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng: “Vừa rồi là chúng ta bắt cả loạt và bây giờ càng ngày càng tinh vi. Đến đây thuê một khách sạn, ông cho thuê khách sạn thì chỉ tính ngày nộp tiền phục vụ còn trong đó, nó làm gì thì chịu. Thế nên, đây là một bài toán đặt ra”.


Luật sư Nguyễn Đức, Văn phòng luật sư Nhân Nghĩa, thành phố Hà Nội, cũng cho rằng, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gia tăng một phần do lỗ hổng của pháp luật nhưng phần lớn là công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch, Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh Xã hội và chính quyền các cấp chưa nhịp nhàng dẫn đến tình trạng khi người nước ngoài vào Việt Nam, rất ít cơ quan, đơn vị quan tâm quản lý và không kịp thời phát hiện ra những manh mối của tội phạm để ngăn chặn từ đầu.

 

Đối tượng Trương Huệ Mẫn cầm đầu đường dây sản xuất clip khiêu dâm,
bị bắt tại Đà Nẵng tháng 9/2019

 

Luật sư Nguyễn Đức cũng cho rằng, phải quy định rõ trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp giữa các ngành với chính quyền địa phương. Đặc biệt chúng ta cũng sớm sửa chữa, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý và các chế tài áp dụng khi thực hiện hành vi phạm tội và tội phạm trên lãnh thổ Việt Nam.


“Các chế tài pháp luật đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam có nhiều bất cập. Ví dụ quy định về trục xuất là chế tài hành chính quan trọng nhưng chúng ta quy định chưa hợp lý khi chế tài này chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an. Trong khi vi phạm của người nước ngoài đa dạng, gây ra ở các địa phương nên khi áp dụng trục xuất sẽ mất nhiều thời gian, khó thực hiện và nảy sinh tội phạm. Vì vậy, nên giao thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND tỉnh hay Giám đốc Công an tỉnh để xử lý một cách kịp thời. Từ đó ngăn chặn hành vi phạm tội của người nước ngoài”.


Để tăng cường quản lý các đối tượng người nước ngoài, bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế pháp luật cũng phải đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của người nước ngoài; tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, bố trí triển khai lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra./.

 

Theo VOV.VN