Banner

(TTV) Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX

Chiều ngày 14/10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

 

Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước; Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.


 Nghị quyết số 13, ngày 18/3/2002, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mục tiêu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết đã được triển khai thực hiện đầy đủ, từ việc học tập, quán triệt, thể chế hóa Nghị quyết, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát triển kinh tế tập thể. 


Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng, miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã được mở rộng, nhiều hợp tác xã có quy mô toàn xã, huyện. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã được nâng cao. Một số hợp tác xã có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tính đến ngày 31/12/2018, toàn quốc có trên 22.800 hợp tác xã, tăng 3.700 hợp tác xã; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; doanh thu bình quân của một hợp tác xã là gần 4,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 36,6 triệu đồng/năm.  


Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn tồn tại nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước cũng như hạn chế trong nội tại các hợp tác xã. 


 Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới là sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế hiện nay, tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Đồng thời, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã bền vững, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần tạo việc làm và giảm nghèo bền vững./.

 

 Lý Vinh – Quang Thành