Banner

HĐND tỉnh thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2019, nhiệm vụ năm 2020

Trực tiếp- Sáng nay 6-12, HĐND tỉnh thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2020.

11h25: Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng.

 

Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận, thông qua các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

 

11h13: Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận phần thảo luận.

 

 

Đồng chí nhấn mạnh, các ý kiến thể hiện trách nhiệm cao của đại biểu, đồng tình với đánh giá và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong năm 2019, đồng thời thể hiện sự quan tâm về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2020 và thời gian tới.

 

Đồng chí đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp thu và lãnh đạo khắc phục, giải quyết những hạn chế, vướng mắc. Trong đó, trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố là rất lớn. HĐND các cấp tích cực giám sát, đôn đốc giải quyết. Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, kết luật của HĐND tỉnh. Đại biểu HĐND tỉnh tích cực tuyên truyền và gương mẫu thực hiện, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 -2020.

 

Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thành Công

 

8h00: Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp bắt đầu. Chủ tọa kỳ họp định hướng thảo luận.

 

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề: công tác phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ thu, chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và tình hình tội phạm hiện nay; việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XVIII… Ngoài ra, đại biểu thảo luận về các báo cáo của các ngành và báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8. Trong đó, đại biểu cần đặc biệt quan tâm đánh giá kỹ lưỡng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2019 và kế hoạch năm 2020, trọng tâm là các chỉ tiêu.

 

Chủ tọa kỳ họp định hướng thảo luận. Ảnh: Thành Công

 

Đại biểu Đàm Thị Vân Anh, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề cập đến diện tích mía nguyên liệu không đạt kế hoạch, diện tích mía phế canh lớn do việc thu mua, chi trả tiền cho nhân dân chậm. Đại biểu đề nghị tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn để phát triển cây mía bền vững.

 

Đại biểu Đàm Thị Vân Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: Thành Công

 

Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở nông thôn chưa được quan tâm, đại biểu đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ môi trường.

 

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 01/2009/NQ-HĐND ngày 1-8-2019 của HĐND tỉnh về Quy định chức danh, bố trí số lượng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mức khoán kinh phí đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố cần được xem xét để hỗ trợ phù hợp. Đại biểu đề nghị tỉnh xem xét cân đối ngân sách để tiếp tục hỗ trợ cho trưởng 4 tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố để động viên khuyến khích các đoàn thể hoạt động hiệu quả hơn.

 

Đại biểu Trần Thị Hà, tổ đại biểu huyện Hàm Yên nêu các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật như tội phạm sử dụng công nghệ cao để mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân đang diễn biến phức tạp; tội giết người, cố ý gây thương tích, tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường.

 

Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường giải pháp phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong nhân dân.

 

Đại biểu Tăng Thị Dương, tổ đại biểu huyện Yên Sơn quan tâm đến những hệ lụy, mặt trái của việc lao động nông thôn đi lao động ngoài tỉnh không có điều kiện đi về trong ngày như: tình trạng ly hôn tăng ở khu vực nông thôn, nợ xấu, trẻ em không được chăm lo toàn diện, tình trạng thiếu hụt lao động…Đại biểu đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc; kiến thiết ruộng đồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tăng thu nhập cho người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tạo việc làm tại chỗ cho người dân.

 

Đại biểu Trần Văn Tú, tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đánh giá đúng, đầy đủ về việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn, có giải pháp để thu gom, tiêu hủy chất thải nguy hại còn tồn nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời hỗ trợ lãi suất tiền vay để nhân dân xây dựng công trình vệ sinh và hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

 

Đại biểu Trần Văn Tú, tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa.

 

Đại biểu Lý Thu Hương, tổ đại biểu huyện Yên Sơn cho biết, về việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, chỉ đạo giải quyết nhưng chậm và chưa dứt điểm. Có ý kiến được trả lời rõ nhưng việc thông báo kết quả giải quyết tới cử tri còn hạn chế. Điển hình như ý kiến của cử tri thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) đề nghị thu hồi đất của trường tiểu học giao lại cho địa phương; ý kiến cử tri xã Thái Hòa (Hàm Yên) đề nghị kiểm tra các doanh nghiệp trong quá trình khai thác quặng xả thải ra môi trường…Đại biểu đề nghị các cấp có thẩm quyền giám sát thường xuyên việc trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh giao. Đối với kiến nghị chưa thể trả lời dứt điểm, chính quyền địa phương cần thông báo rõ kết quả giải quyết để cử tri yên tâm.

 

Đại biểu cũng kiến nghị các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể quan tâm giúp đỡ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Đại biểu Nguyễn Bá Đức, tổ đại biểu thành phố Tuyên Quang thảo luận về các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới liên quan đến sách giáo khoa, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc chọn sách giáo khoa không còn nhiều, cần có phương án đồng bộ đối với các cơ sở giáo dục. Đội ngũ giáo viên cần được bổ sung, cơ sở vật chất cần được đầu tư để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đại biểu cho rằng việc đổi mới giáo dục phổ thông thực hiện ở các cấp học, nhiều môn học đang thiếu giáo viên. Do đó, các cấp, các ngành cần tham mưu cho tỉnh đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông.

 

Đại biểu Phạm Kim Đĩnh, tổ đại biểu huyện Yên Sơn làm rõ những giải pháp của lực lượng công an tỉnh về đấu tranh, phòng ngừa đối với các loại tội phạm ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen, giết người. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng. Năm 2020, bên cạnh những biện pháp của ngành công an, các cấp, ngành cần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

 

Đại biểu Ma Việt Dũng, tổ đại biểu huyện Sơn Dương đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhân dân; phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về môi trường; xây dựng các thiết chế, cơ sở vật chất, phương tiện bảo vệ môi trường…

 

Đại biểu Nông Thị Toản, tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình đề cập đến các giải pháp gắn kết phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có quy hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch liên kết tỉnh, vùng. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù để tạo việc làm cho lao động tại chỗ cho người dân.

 

Về lĩnh vực đầu tư công, đại biểu cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư một số công trình, dự án còn chậm. Đại biểu đề nghị sớm bố trí kế hoạch vốn để khắc phục tình trạng giải ngân chậm. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh rà soát, lập quy hoạch điều chỉnh phân 3 loại rừng để chuyển đổi thành rừng sản xuất cho tổ chức, nhân dân quản lý.

 

Đại biểu Lê Thị Thanh Trà, tổ đại biểu huyện Yên Sơn nêu, hiện nay tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của tỉnh chưa đạt 50%, thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày còn khó khăn. Việc sắp xếp, bố trí giáo viên cần được xem xét để tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Đại biểu đề nghị các huyện, thành phố chuẩn bị điều kiện ăn, ở bán trú cho các trường, điểm trường tiểu học. Về việc huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ, đại biểu mong muốn các địa phương học tập và phát triển các mô hình giáo dục mầm non ngoài công lập.

 

Đại biểu Phạm Văn Loan, tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu xử lý rác thải nông thôn, ưu tiên trước đối với những nơi thực sự cần thiết. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh sớm nghiên cứu ban hành giá dịch vụ thu gom rác thải. Đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng người dân và tổ chức những hành động cụ thể nhằm bảo vệ và xây dựng môi trường trong sạch. Tỉnh cần có cơ chế để tạo điều kiện cho người dân ở nông thôn khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển nông nghiệp quy mô tập trung.

 

Ông Nguyễn Sơn Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng những ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh rất thiết thực. Về vấn đề môi trường, lãnh đạo Sở làm rõ các giải pháp của ngành trong việc xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế. Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp xử lý, thu gom rác thải, chất thải nguy hại môi trường.

 

Ông Nguyễn Sơn Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

Đại biểu Ma Quang Hiếu, tổ đại biểu huyện Sơn Dương cho rằng việc thực hiện chi trả chế độ phụ cấp cho nhà giáo giảng dạy tại các lớp có học sinh khuyết tật chưa đồng bộ; việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, luân chuyển, phân công cán bộ quản lý, giáo viên chưa thống nhất. Công tác quy hoạch, sắp xếp quy mô trường, lớp, học sinh còn khó khăn, nhiều trường có số học sinh/lớp vượt quá quy định, nhiều nhất là thành phố Tuyên Quang. Từ thực tế này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của học sinh. Đại biểu đề nghị tỉnh cần có chính sách hợp lý đối với giáo dục mầm non.

 

Đại biểu Phùng Quang Huấn, tổ đại biểu huyện Na Hang - Lâm Bình đề nghị tỉnh xem xét để các hộ dân tại một số xã điểm xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ xây dựng công trình nhà vệ sinh, chuồng trại; bố trí kinh phí phát triển hàng năm cho huyện và các nguồn vốn khác để huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị phát triển thị trấn Na Hang trở thành đô thị loại IV. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh quan tâm đưa xã Hồng Thái vào quy hoạch du lịch chung của tỉnh và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

 

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền, tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa đề cập đến một số chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa - xã hội như: số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, số nhà văn hóa xây mới, số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; tỷ lệ lao động tham gia BHXH chưa đạt kế hoạch…Đại biểu đề nghị các sở, ngành cần rà soát, phân tích kỹ nguyên nhân để tham mưu với UBND tỉnh có các giải pháp thực hiện.

 

Đại biểu Đỗ Trung Kiên, tổ đại biểu huyện Yên Sơn đề xuất các giải pháp triệt để thu gom và xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thu hút các tổ chức sử dụng công nghệ tiên tiến xử lý rác thải; đầu tư bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật cho tất cả các xã; xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

 

Lãnh đạo một số sở, ngành đã trả lời làm rõ các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh nêu ra tại phiên họp. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Sở đã chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông trong năm học 2020 - 2021. Về huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh giao cho các huyện, thành phố đẩy mạnh huy động trẻ ngoài công lập.

 

Lãnh đạo Sở Tài chính làm rõ về cơ cấu chi ngân sách của tỉnh cho sự nghiệp giáo dục.

 

Lãnh đạo Sở Nội vụ làm rõ về tình hình thực hiện Quy định chức danh, bố trí số lượng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mức khoán kinh phí đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn; mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Sở tiếp thu, tổng hợp và báo cáo với Chính phủ xem xét để ban hành chính sách hỗ trợ đối với người đứng đầu các tổ chức, đoàn thể ở thôn phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Về ý kiến nhiều đại biểu quan tâm là thiếu giáo viên, Sở Nội vụ đã báo cáo UBND tỉnh để tỉnh báo cáo Trung ương xem xét và cho phép tuyển dụng giáo viên. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở liên quan có phương án để bố trí, sắp xếp, bổ sung giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đối với việc bố trí kế toán trong trường học cần được tuyển dụng và bổ sung đủ cho các trường học.

 

Theo TQĐT