Banner

Phấn đấu không có thực phẩm "bẩn” trong dịp Tết

Trong dịp Tết, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được các địa phương ưu tiên hàng đầu. Hiện các địa phương đang triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát ATTP tại các cơ sở chế biến và các siêu thị cung ứng thực phẩm.

Theo nhận định, vào quý cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp.

 

Do đó, cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố Hà Nội luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm ATTP. Nội dung tuyên truyền được đẩy mạnh và bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung vào các quy định của pháp luật về ATTP; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về ATTP mới được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung... Nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.

 

Bên cạnh đó, Thành phố cũng tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; thông tin kịp thời về thực trạng ATTP, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường sử dụng các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ, siêu thị…

 

Đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.

 

Tỉnh Nam Định cũng đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATTP xuống đến tận vùng nông thôn. Trong đó, 3 nhóm giải pháp chính là phổ biến và quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư, thông tư và kế hoạch của Tỉnh ủy về công tác ATTP đến tất cả các chi bộ thôn, xóm; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn ATTP cho tuyến xã, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP quan tâm công tác đảm bảo ATTP đối với sản phẩm tại nông thôn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về ATTP và xã hội hóa công tác ATTP.

 

Về các giải pháp, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tích cực tuyên truyền vận động các hội viên tham gia đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng các mô hình điểm ATTP cũng được triển khai nhân rộng như: Mô hình ATTP tại các làng nghề, mô hình kiểm soát ATTP; mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn nói không với sản xuất “rau hai luống, lợn hai chuồng”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tổ chức vận động “Phụ nữ cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, sản lượng thịt lợn trên địa bàn tỉnh Lào Cai chiếm khoảng 80% tổng sản lượng thịt hơi các loại toàn tỉnh, để đảm bảo nguồn cung và chất lượng thịt lợn trong dịp Tết nguyên đán trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi vẫn có khả năng quay trở lại nên tỉnh vẫn đang có phương án phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là tích cực áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu giống, tiêm phòng các loại vắc xin, thức ăn, chăm sóc đến khâu giết mổ và tiêu thụ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ, đặc biệt là những nơi tiêu thụ sản phẩm động vật lớn như thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng…

 

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xã trên địa bàn quản lý tốt đàn lợn, thực hiện thống kê, kiểm đếm số lượng mới nhập đàn để tiến tới thực hiện theo Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 01/01/2020; kiên quyết xử lý và không hỗ trợ các trường hợp chăn nuôi tái đàn sau dịch chưa đăng ký khai báo với chính quyền cấp xã theo quy định.

 

Tỉnh Bắc Ninh cũng phấn đấu không còn thực phẩm bẩn giai đoạn 2020 - 2021. Mới đây, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn" giai đoạn 2020 - 2021. Kế hoạch đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, phấn đấu đến hết năm 2020 đảm bảo có đủ nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm từ tỉnh đến xã.

 

Tỉnh phấn đấu hết năm 2020, 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; người quản lý và người tiêu dùng được tiếp cận với các thông tin về an toàn thực phẩm; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phấn đấu tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc tuyến tỉnh quản lý đạt 100%, tuyến huyện quản lý đạt 95%. Tỷ lệ sản phẩm bao gói sản xuất tại địa bàn tỉnh được công bố hoặc tự công bố sản phẩm đạt 100%; tăng cường kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh;  xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất thực phẩm an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm an toàn.

 

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã xây dựng 6 nhóm giải pháp nhiệm vụ chủ yếu về nguồn nhân lực, thông tin giáo dục truyền thông, nhóm giải pháp về quản lý cơ sở, về công tác thanh tra, kiểm tra.

 

Trong 6 nhóm giải pháp, Ban chỉ đạo liên ngành nêu rõ: Cần đảm bảo các sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, có nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại, hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống.

 

Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, bảo đảm sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm.

 

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến năm 2021 tiếp tục xây dựng và triển khai thí điểm 2 mô hình quản lý dịch vụ ăn uống là mô hình quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ gia đình và mô hình quản lý thức ăn đường phố an toàn.

 

Xây dựng các mô hình điểm sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; khuyến khích thành lập các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn toàn tỉnh (chuỗi sản phẩm thịt, trứng, rau, củ, quả an toàn...); triển khai các hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở, quản lý sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm...

 

Theo Chinhphu.vn