Banner

(TTV) Liên kết phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông, lâm nghiệp

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đây là một trong những giải pháp về thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI nhấn mạnh. Nhiệm vụ này cũng đang được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt trú trọng thực hiện. 

 

Trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi chuyển hóa rừng keo theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình ông Lê Văn Tựu, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Khi thực hiện mô hình liên kết này trong trồng rừng, được cấp chứng chỉ FSC thì giá gỗ bán của gia đình cao hơn rừng thường từ 2 - 2,5 lần so với trước kia. 

 

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra 3 khâu đột phá để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung vào một số cây trồng chủ lực như: Nguyên liệu giấy, mía, chè, cam, lạc… Thực hiện mục tiêu này, tỉnh chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, quy hoạch mở rộng diện tích trồng mía đến năm 2020 trên 15.000 ha, chè trên 8.800 ha, cam trên 8.000 ha và lạc trên 5.000 ha... Hiện nay, nhiều nông sản đặc sản của Tuyên Quang đang được tập trung phát triển theo hướng hàng hóa. Hình thành các mối liên kết chuỗi giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu thụ. Bên cạnh đó thì việc đẩy mạnh hoạt động liên kết xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại Tuyên Quang cũng được tỉnh chú trọng.


Thực hiện sản xuất nông nghiệp theo cách liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, nhiều người nông dân trong tỉnh hiện đã hình thành tư duy làm ăn bền vững của những nông dân chuyên nghiệp. Cũng bởi vậy mà sản xuất nông, lâm nghiệp ở nhiều nơi trong tỉnh cũng đang dần đi theo hướng phát triển an toàn, ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao./. 

 

Minh Khuyên – Tuấn Trường