Thứ Sáu, 04/10/2024 05:38

Dự kiến đầu tư hơn 67 tỷ USD xây tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

01/10/2024 - 09:49 | Kinh tế

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xác định sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, nếu tính theo tỷ giá hiện nay khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Nếu chỉ nhìn đơn thuần về tổng mức đầu tư của dự án, chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi giật mình về độ lớn, nhưng với những tính toán mang tính toàn diện, khoa học và thực tiễn thì số vốn để đầu tư cho dự án, trong thời điểm này là khả quan và kiểm soát được.

Gần 15 năm qua, dựa án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được nghiên cứu. Vào năm 2010, khi quy mô GDP mới chỉ ở mức 147 tỷ USD thì với 56 tỷ USD tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao khi đó chiếm tới 38% GDP và đẩy tỷ lệ nợ công lên mức gần 57% GDP, là mức cao gần chạm ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm nay dự báo đạt trên 465 tỷ USD, tức cao gấp hơn 3 lần so với năm 2010 thì nguồn lực để đầu tư cho đường sắt tốc độ cao ở mức 67 tỷ USD đã không còn là trở ngại lớn.

Ông Shantanu Chkraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá: "Dự án này có tính chuyển đổi mang tính bước ngoặt nếu chúng được thực hiện đúng cách. Và như chúng ta thấy các dự án đường sắt tốc độ cao ở các nơi khác trên thế giới đều tạo ra động lực lớn cho tăng trưởng. Đây là dự án có tầm quan trọng chiến lược và chúng tôi rất mong đợi dự án sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới".

Dự kiến đầu tư hơn 67 tỷ USD xây tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Đánh giá của Bộ Tài chính về các chỉ tiêu an toàn nợ công khi triển khai đầu tư dự án cho thấy giai đoạn đến năm 2030 cả 3 tiêu chí: nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia đều thấp hơn mức cho phép từ 5 đến 15%.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Nợ công hiện nay của chúng ta mới ở 37% và mức cho phép là 60%. Như vậy chỉ khai thác nguyên dư địa từ nợ công, chúng ta đã có thể có được gần 100 tỷ USD".

Để dự án đường sắt tốc độ cao đi vào khai thác hoàn toàn phải mất khoảng chục năm. Như vậy, mỗi năm bình quân khoảng cần khoảng 5,6 tỷ USD tương đương khoảng 145 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện hành.

Con số này chiếm 24,5% vốn đầu tư công trung hạn hàng năm bố trí trong giai đoạn 2021-2025 và giảm xuống còn khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030. Đây là những tỷ lệ chấp nhận được đối với quy mô nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm