Chủ Nhật, 08/12/2024 10:34

Trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam

07/11/2024 - 08:06 | Kinh tế

Chiều tối 6/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

(Ảnh minh họa AI. Thực hiện: Ngọc Diệp)

Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại

Trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đã đánh giá bối cảnh trong nước, quốc tế và tình hình phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đồng thời đã nêu rõ lý do tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chưa được Quốc hội thông qua vào năm 2010 do còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp (GDP là 147 tỷ USD; tại thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án khoảng 55,8 tỷ USD, tương đương 38% GDP), nợ công ở mức cao (56,6% GDP). 

Song với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.

"Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng

Theo tờ trình tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. 

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đường sắt chạy trên ray, đoàn tàu khách sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán, tàu hàng sử dụng động lực tập trung; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Đề xuất lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm tàu tốc độ thiết kế 350km/h. 

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 10.827 ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Cơ quan trình đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể"

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về sự đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và hồ sơ Dự án, Dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ Dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

"Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý", ông Thanh cho biết.

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của Dự án theo đề xuất của Chính phủ. Đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho Dự án.

Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của Dự án, có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của Dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Báo cáo cũng thẩm tra cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải. 

Về nguồn vốn cho Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (tối đa là 1,5 triệu tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nyowcs giai đoạn 2021 - 2025. 

Trong khi giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng. 

Với nhu cầu vốn thực hiện Dự án rất lớn như trên, để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách Nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên (kể cả các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh) và có thể phải chấp nhận bội chi Ngân sách Nhà nước tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai). Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.

Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành, đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lại lớn, rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm