Thứ Năm, 19/09/2024 21:33

Xác thực sinh trắc học - "tấm khiên" bảo vệ tiền và tài khoản của người dân

05/07/2024 - 09:21 | Kinh tế

Hơn 4.230 tỷ đồng là số tiền tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong 5 tháng đầu năm nay. Con số này bằng 94% tổng thiệt hại do lừa đảo của cả năm ngoái.

17,8 triệu tài khoản xác thực sinh trắc học

 

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì sau 3 ngày triển khai, đến tối ngày 4/7, đã có 17,8 triệu tài khoản ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học thành công. Con số này bằng tổng số tài khoản mà toàn hệ thống ngân hàng mở được trong cả năm ngoái.

 

Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: "Từ ngày 1/7/2024, cùng với các ngân hàng, Vietcombank cũng bắt đầu triển khai sinh trắc học cho khách hàng giao dịch trên kênh số và chúng tôi đã thu thập đến chiều ngày hôm nay ngày 4/7/2024 tức là sau 4 ngày, số lượng khách hàng đã xác thực, cập nhật sinh trắc học tại Vietcombank là hơn 2 triệu.

 

Vào ngày đầu tiên, khi toàn bộ hệ thống ngân hàng triển khai sinh trắc học, có đôi chút xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ. Điều này là do cùng một lúc, rất nhiều khách hàng quan tâm. Thực sự việc truyền thông cập nhật sinh trắc học trong thời gian rất tốt và người dân, khách hàng rất quan tâm. Khi ngày 1/7 hiệu lực này của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thì rất nhiều người dân và khách hàng đã vào thử vào các hệ thống ngân hàng, đặc biệt là hệ thống mobile banking online, thậm chí người dân còn ra quầy làm sinh trắc học trong khi chưa cần thực hiện giao dịch thuộc phạm vi cần thực hiện sinh trắc học nên cũng dẫn đến đôi chỗ tắc nghẽn của khá nhiều tổ chức. Hiện nay, như với Vietcombank, ngay cuối sáng ngày 2/7, chúng tôi đã đưa hệ thống trở lại hoàn toàn bình thường".

 

"Tôi nghĩ quyết định 2345 của Nhà nước đưa ra là một trong những quyết định rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường bảo mật đối với khách hàng giao dịch trên kênh số. Và với nhận thức của người dân, khách hàng là luôn luôn bảo vệ cho chính mình tôi nghĩ là khách hàng, người dân cập nhật thông tin sinh trắc học của mình cho các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán là cần thiết.

 

Tuy nhiên, người dân và khách hàng cũng cần nhận thức rằng, không phải tất cả giao dịch trên kênh số đều phải xác thực sinh trắc học mà Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước đã nói rất rõ là những phạm vi giao dịch nào sẽ phải thực hiện sinh trắc học, còn những giao dịch như chuyển tiền hoặc nạp ví điện tử dưới 10 triệu/lần hoặc tổng cộng 20 triệu/ngày, hoặc giao dịch thanh toán hoá đơn hoặc thanh toán các dịch vụ, hàng hoá thiết yếu hoặc dưới 100 triệu/ngày,  khách hàng vẫn hoàn toàn giao dịch bình thường. Nếu khách hàng cần thiết thì có thể cập nhật sinh trắc học bất kỳ lúc nào trên kênh số hoặc quầy, các tổ chức tín dụng. Còn nếu không, lúc nào chúng ta đến giao dịch, khi giao dịch đúng phạm vi ấy thì Ngân hàng chuyển khách hàng sang luồng cập nhật sinh trắc học" - bà Nhung cho biết thêm.

 

Sau 3 ngày triển khai, đã có 17,8 triệu tài khoản ngân hàng thực hiện xác thực sinh trắc học thành công

 

Tăng bảo mật khi giao dịch ngân hàng

 

Hơn 4.230 tỷ đồng là số tiền tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong 5 tháng đầu năm nay. Con số này bằng 94% tổng thiệt hại do lừa đảo của cả năm ngoái. Để ngăn chặn dòng tiền lừa đảo luân chuyển qua các tài khoản không chính chủ đã có yêu cầu xác thực sinh trắc học với những khoản tiền trên 10 triệu đồng và tổng số tiền hơn 20 triệu đồng một ngày. Để tăng thêm lớp bảo vệ khách hàng, sáng nay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông và hệ thống các ngân hàng đã họp bàn đưa ra nhiều giải pháp.

 

Đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng dùng ảnh chụp hay video giả mạo khuôn mặt (deepfake) để qua mặt ngân hàng khi chuyển tiền. Ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chia sẻ: "Ngoài nhìn thẳng, khách hàng còn phải quay trái, quay phải. Đó cũng là yếu tố để chúng tôi tránh giả mạo ảnh tĩnh, tiếp tục cài đặt thêm chức năng cùng nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học chống giả mạo deepfake".

 

Hiện Cục công nghệ thông tin của Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thí điểm hệ thống giám sát tài khoản thanh toán, hệ thống ví điện tử liên thông tất cả các ngân hàng, kết hợp với dữ liệu của Bộ Công an để đưa ra những cảnh báo sớm từ trước khi chuyển tiền.

 

Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Các tổ chức tín dụng, trung tâm thanh toán sẽ sử dụng các thông tin trên hệ thống đó trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng để biết được trong quá trình giao dịch các tài khoản thuộc diện nghi ngờ, tạm gọi sẽ có tích xanh, tích vàng, tích đỏ trong quá trình giao dịch để được đảm bảo an toàn".

 

Bà Đoàn Hồng Nhung chia sẻ thêm: "Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, những giá trị chuyển tiền dưới 10 triệu một món hoặc tổng giá trị giao dịch dưới 20 triệu một ngày thì không nhất thiết phải thực hiện xác thực sinh trắc học. Còn nếu như nhận thức Quyết định 2345 với phương thức xác thực sinh trắc học cho mình lớp bảo vệ an toàn hơn, khách hàng có thể không cần mức 10 triệu mà khách hàng có thể cài mức mà khách hàng mong muốn như 1 triệu cũng muốn cài đặt sinh trắc học. Đó là sự lựa chọn của khách hàng. Một khi khách hàng đã lựa chọn thì khách hàng thấy sự cần thiết nhiều hơn. Với luồng trải nghiệm hiện nay của Vietcombank hay các ngân hàng, chúng tôi thấy rằng, qua một thời gian chuẩn bị cũng rất nhanh, không phức tạp".

 

Với việc dùng ảnh tĩnh, hay công nghệ để tạo video giả mạo khuôn mặt (deepfake), bà Nhung cho rằng, đã là tội phạm ở trong bóng tối luôn nghĩ ra phương án mới để vượt qua những cách mà các Ngân hàng đang bảo vệ cho hệ thống thanh toán cho khách hàng. "Nhưng bằng sự đầu tư về mặt công nghệ cũng như đằng sau những gì mà khách hàng nhìn thấy là một sự đầu tư rất lớn của Ngân hàng theo những chuẩn nhất định mà chúng tôi đặt ra. Như ở Viecombank, chúng tôi đặt ra những chuẩn quốc tế và hệ thống AI là luôn luôn phải học, làm sao để hệ thống AI thông minh hơn để vượt qua được, phát hiện ra được deepfake" - bà nói.

 

Theo bà Nhung, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước, Cục Công nghệ Thông tin đã xây dựng hệ thống Simo, ở đó đã khoanh vùng những tài khoản giả mạo để trong hệ thống ngân hàng chúng tôi có thể hỗ trợ lẫn nhau để nhận diện cũng như về phía hỗ trợ của Bộ Công an cũng có những dữ liệu về tài khoản giả mạo này. "Cụ thể từng Ngân hàng, chúng tôi cũng có những hệ thống phòng chống gian lận. Với những hệ thống này, chúng tôi có những tiêu chí đưa ra, như thế nào là hoạt động bình thường, thậm chí cá nhân hoá với từng khách hàng, từng giao dịch. Như tôi, bằng dữ liệu số lớn có thể thấy là một khách hàng thông thường giao dịch chỉ trong giờ làm việc tại Việt Nam nhưng có bất thường như tiêu một số tiền quá lớn ở nước ngoài, hoặc tiêu trong đêm hoặc rất nhiều tài khoản cùng một lúc chuyển tiền thì lúc đó, Ngân hàng sẽ cảnh báo cho khách hàng và chúng tôi gọi điện trực tiếp cho khách hoặc gửi những tin nhắn để khách hàng xác thực có phải họ thực hiện hay không. Và tạm thời để bảo vệ khách hàng, tại những tình huống này chúng tôi sẽ tạm dừng. Trong những điều khoản, điều kiện để hỗ trợ khách hàng, luôn luôn rất rõ điều kiện này.

 

Trước ngày 1/7, để hỗ trợ khách hàng trong trường hợp có giả mạo xảy ra, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng chủ động hỗ trợ khách hàng liên hệ với tổ chức có tài khoản người nhận nhưng hoàn toàn khó để ngăn chặn dòng tiền lừa đảo này. Bởi vì chuyển đi rất nhanh. Từ ngày 1/7, với Thông tư 17 thay thế cho Thông tư 23 vì mở và sử dụng tài khoản của Ngân hàng Nhà nước, với hệ thống liên thông về dữ liệu, các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng được quyền có thể tạm dừng giao dịch của những tài khoản có nghi ngờ giả mạo. Và để giảm thiểu cho việc chẳng may xảy ra việc lừa đảo, thậm chí Quyết định 2345 với hạn mức như vậy, có thể thấy mức tối đa giả dụ khách hàng bị hack một lần, bị lừa đảo một lần thì tổng giá trị không thể mất mát lớn" - bà Nhung cho biết.

 

Theo Bộ Công an, có 4 nhóm thủ đoạn lừa đảo là mạo danh cơ quan, tổ chức uy tín, mời gọi đầu tư chia sẻ lợi nhuận, Quan hệ tình cảm, tống tiền và cài ứng dụng nhúng mã độc. Việc xác thực sinh trắc học, định danh tài khoản giúp truy vết và ngăn chặn các dòng tiền vi phạm pháp luật như cờ bạc, rửa tiền, tài trợ khủng bố hay đặc biệt là dòng tiền lừa đảo.

 

Trung tá Triệu Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nêu ý kiến: "Có những nhóm tội phạm quy mô rất lớn, hàng trăm đối tượng và hoạt động như một nghề để kiếm sống. Ngay từ ngày 1/7 đã có hiện tượng một số đối tượng liên hệ với các cá nhân ở Việt Nam để thông báo rằng chúng tôi ở ngân hàng để hỗ trợ cập nhật thông tin sinh trắc học để thực hiện theo quyết định của NHNN. Khi một chính sách mới ra đời, ngay lập tức các đối tượng lợi dụng chính sách để biến nó thành một phương thức để đi lừa khách hàng".

 

Khuyến nghị với người dân, khách hàng

 

Bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đưa ra lời khuyên: "Dưới góc độ Ngân hàng, Vietcombank luôn khuyến nghị khách hàng, dù có biện pháp nào, quan trọng nhất là ý thức người dùng luôn luôn bảo vệ chính mình. Tất cả hành trang sử dụng của khách hàng trên kênh số yêu cầu bảo mật, đó là điều bản thân người dùng đầu tiên phải nhận thức và phải bảo vệ chính mình đầu tiên.

 

Về xác thực sinh trắc học thông qua VneID, vào ngày 1/7 Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong hệ thống ngân hàng Golive xác thực apps to apps từ VCB digibank sang VneID. Là đơn vị đầu tiên khai thác trung tâm xác thực của Bộ Công an. Đây cũng thể hiện là cam kết triển khai Kế hoạch 01 giữa ngành Ngân hàng với Bộ Công an để thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Với việc xác thực sinh trắc học qua VneID rất đơn giản, khách hàng chỉ cần có apps VneID tài khoản định danh điện tử cấp 2 và sử dụng digibank thì lúc đó, dữ liệu cũng như xác thực của khách hàng sẽ được kết nối trực tiếp từ VCB digibank sang VneID. Điều thuận tiện ở đây là khách hàng không cần phải sử dụng CCCD gắn chip và tìm điểm chạm trên thiết bị di dộng. Trong thời gian vừa qua, khách hàng có một số bối rối trong thao tác tìm điểm chạm này trên thiết bị di động.

 

Với VneID, khách hàng có thể cập nhật bất kỳ lúc nào và khi dữ liệu cập nhật apps to apps này là dữ liệu realtime, là dữ liệu cập nhật nhất bởi vì trong quá trình sử dụng tài khoản định danh điện tử, khách hàng có thể cập nhật liên tục thông tin dữ liệu, định danh cá nhân, thông tin liên quan cho Bộ Công an. Khi mình gọi apps to apps thì có được dữ liệu thông tin liên quan gần nhất đó, khác với việc định danh điện tử bằng CCCD gắn chip, thời điểm phát hành CCCD gắn chip thì dữ liệu ở thời điểm đó".

 

Chuyển tiền ngân hàng nhanh được cho là đem đến trải nghiệm tốt cho khách hàng. Việc xác thực sinh trắc học có thể khiến khách hàng thấy phiền hà một chút khi phải thêm thao tác. Nhưng, chính thao tác này giúp định danh tài khoản của người dân chuẩn hóa và liên thông với dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong bối cảnh thủ đoạn của tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, nếu lỡ có ngày người dân bị kẻ lừa đảo thao túng tâm lý thì dòng tiền lừa đảo cũng sẽ bị chặn lại. Thậm chí, nếu điện thoại bị tấn công mã độc, bị chiếm quyền điều khiển thì kẻ gian cũng không xâm nhập tài khoản ngân hàng vì có yêu cầu xác thực sinh trắc học. Có thể nói, người dân đã được trang bị thêm một tấm khiên để bảo vệ tiền và bảo vệ tài khoản của chính mình.

 

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm