Thứ Bảy, 09/11/2024 20:50

(TTV) Hội nghị Sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra

05/10/2024 - 12:42 | Thời sự - chính trị

Sáng ngày 5/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.

Cơn bão số 03 (Yagi) là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ mạnh có tính kỷ lục, phạm vi ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Cơn bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, các công trình hạ tầng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn.

Để ứng phó với cơn bão, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường tại các vùng nguy hiểm, xung yếu. Sự vào cuộc của các lực lượng công an, quân đội và doanh nghiệp đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân.

Toàn tỉnh đã huy động trên 18.400 lượt cán bộ, chiến sĩ và các trang thiết bị khác tham gia ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả. Đã có trên 5.000 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; nhanh chóng cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà, không để ai bị đói, rét, không có nơi ở. Phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra được hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, trong khó khăn, tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của người dân được phát huy.

Mặc dù đã rất nỗ lực, khẩn trương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhưng do bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ mạnh và diễn biến phức tạp nên mức độ thiệt hại lớn. Tính đến ngày 30/9 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 5 người chết, 10 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.890 tỷ đồng.

Ngay sau nước rút, công tác khắc phục nhanh chóng được triển khai. Tuyên Quang được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường. Tỉnh cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của Trung ương, các tỉnh thành phố, các tổ chức, cá nhân, kiều bào ở nước ngoài. Đến ngày 3/10, đã tiếp nhận được trên 99 tỷ đồng tiền mặt; 470 tấn nhu yếu phẩm…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại như: một số địa phương và người dân còn chủ quan. Công tác dự báo khí tượng thủy văn, dự báo đỉnh lũ có thời điểm chưa sát với thực tế. Thông tin chỉ huy, điều hành gặp khó khăn khi hạ tầng viễn thông bị hư hỏng; giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực bị cô lập. Trang thiết bị phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn còn thiếu ở tất cả các cấp.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến nêu rõ: Cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất phù hợp tình hình thực tế, tăng cường công tác dự báo. Đặc biệt là thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ, nâng cao tính chủ động của chính quyền cấp cơ sở và người dân trong việc triển khai phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đã chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Đồng chí biểu dương tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn với tinh thần tương thân, tương ái, những nghĩa cử cao đẹp trong bão lũ. Đồng thời bày tỏ sự tri ân với các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số tổ chức nước ngoài, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã sẻ chia khó khăn, giúp người dân vùng bão lũ sớm ổn định cuộc sống.

Các bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Ngoài việc nâng cao công tác cảnh báo, dự báo, điều hành quyết liệt, thống nhất thì cần vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương. Trong đó, việc bảo đảm phương tiện, nâng cao tính chuyên nghiệp của lực lượng phòng, chống thiên tai, nhất là ở cơ sở phải được quan tâm đúng mức.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa, lũ ổn định đời sống của Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cơ quan, đơn vị tích cực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị tác động do bão, mưa lũ, bảo đảm đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, không để người dân nào bị thiếu đói. Rà soát các gia đình bị mất nhà để bố trí tái định cư đảm bảo an toàn; hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Đồng chí cũng mong muốn, người dân cùng đồng lòng, đoàn kết, vượt qua khó khăn để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tặng Bằng khen cho 73 tập thể và 105 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng chống bão lũ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024./.

An Thu – Lý Dũng

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm