Thứ Bảy, 24/05/2025 00:10

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa 7 luật lĩnh vực đấu thầu, đầu tư

23/05/2025 - 08:18 | Thời sự - chính trị

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về:

+ Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

+ Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

+ Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

+ Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

+ Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

+ Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển

Trước ngày 17/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: Trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và đã xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Mục đích của việc xây dựng luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách; Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, do đó không đặt ra các yêu cầu về việc phải bố trí nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện. Các chính sách nêu trên khi Luật được thông qua và ban hành, các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh có trách nhiệm thực thi, không phát sinh thêm bộ máy, biên chế trong tổ chức thi hành Luật, không có tác động liên quan đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền và lợi ích của mỗi giới.

Các nguồn kinh phí phát sinh để thi hành luật sẽ được cân đối từ nguồn ngân sách trung ương và nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm