Thứ Bảy, 14/12/2024 02:12

Người thầy trong thơ Việt

27/11/2024 - 08:59 | Văn hóa - thể thao

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. “Đạo học”, “Đạo thầy trò” làm nên giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống từ đời này sang đời khác.

Từ xưa đến nay tình cảm thầy trò luôn được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Ảnh: Vũ Minh

Tôn kính thầy, trọng đạo lý, mà đạo lý đó chính là đạo đức, tri thức mà người thầy truyền đạt. Nếu nói, triết lý sống người Việt thể hiện nhiều ở ca dao, tục ngữ thì rõ ràng, từ tục ngữ, ca dao xưa, đạo thầy trò đã được nhắc đến khá nhiều: “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”... Trong văn chương trung đại có rất nhiều tác phẩm viết về người thầy. Như người thầy lớn Chu Văn An (1292 - 1370) mà mãi đến sau này (nửa cuối thế kỷ XIX) còn được Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến hết lời tôn vinh trong “Vịnh Chu Văn An”: “Si mị do kinh thất trảm chương/ Kính tiết dĩ bằng thiên địa bạch” (Dịch nghĩa: Ma quỷ còn khiếp sợ tờ sớ xin chém bảy người gian/ Khí tiết mạnh mẽ đã sáng tỏ cùng với đất trời).

Đến thời hiện đại, dù trong thời chiến hay thời bình, hình ảnh thầy, cô giáo cũng được các nhà thơ thể hiện bằng tất cả lòng tôn kính. Từ người thầy chưa từng qua đào tạo dưới mái lá đơn sơ trong phong trào “bình dân học vụ” những năm đầu kháng chiến chống Pháp: “Nghiêng đầu trên tấm bảng chung/ Phơ phơ tóc bạc, bạn cùng tóc xanh/ Này em, này chị, này anh/ Chen vai mà học, rách lành sao đâu!/ I tờ mớm chữ cho nhau” (“Trường tôi” - Tố Hữu) đến những thầy giáo ít chữ, cốt dạy cho trò biết chữ vào những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ ở Trường Sơn: “Giặc dành cho ta nhà tù, bom đạn/ Bảy năm rồi trong máu lửa đấu tranh/ Thầy giáo dạy em năm trước học vần/ Vẫn chưa vượt quá chương trình cấp một!/ Vẫn chật vật với những bài số học!/ Thư viết cho em phải xóa sửa mấy lần!” (“Nghe em vào đại học” - Giang Nam). Đúng như lời Bác Hồ dặn dò trong bức thư cuối cùng Người gửi ngành Giáo dục nước nhà nhân năm học mới 1968 - 1969: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” (đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 16-10-1968).

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, những tháng năm bao cấp khó khăn, hình ảnh thầy, cô giáo là những người luôn cố gắng vượt mọi khó khăn đời thường: “Đất nước trở trăn trong thiếu thốn và nghèo/ Chúng tôi nhiều khi phải tự góp thêm công để các em có đủ ghế ngồi và tự sớt đồng lương cho những lần thiếu phấn”. Các thầy, cô giữ trọn lòng mình trên bục giảng: “Chúng tôi gìn giữ trái tim chân thực hằng giờ/ Các em hồn nhiên mà ánh mắt long lanh soi rọi thế/ Cái bục giảng không cao nhưng đã có bao người vấp té/ Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay” (“Bụi phấn” - Đoàn Vị Thượng). Và trong đó, sáng ngời tấm gương những thầy giáo thương binh trở về từ cuộc chiến: “In lên cổng trường những chiều giá buốt/ In lên cổng trường những đêm mưa dầm/ Dấu nạng hai bên như hai hang lỗ đáo/ Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/ Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/ Của cả cuộc đời mình” (“Bàn chân thầy giáo” - Trần Đăng Khoa). Rồi khi chiến tranh biên giới nổ ra, những người thầy lại tiếp tục rời mái trường, lên đường đánh giặc, để lại bao nhớ thương trong lòng những đồng nghiệp và học trò: “Lại mùa thu, cúc trổ bông/ Bạn đồng nghiệp nữ về đông hơn nhiều/ Thương học trò biết bao nhiêu/ Nhớ thầy không nói mắt đều tròn xoe” (“Gửi đồng nghiệp xa trường” - Đoàn Vị Thượng).

Cho dù trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, thầy, cô giáo vẫn mãi là người giữ trọn sứ mệnh thiêng liêng: Dìu dắt học sinh thân yêu biết ước mơ xa và khát vọng lớn: “Cô dắt con đi giữa phố đông/ Tưởng như dắt mãi đến không cùng/ Mai sau bay giữa vòm tinh tú/ Cô vẫn cầm tay, con biết không? (“Trường con” - Vũ Quần Phương). Những thầy cô đã suốt đời thầm lặng làm người đưa con đò sang bến bờ tri thức cho bao lớp học trò: “Khúc sông ấy vẫn còn đây/ Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông” (“Người lái đò” - Thảo Nguyên)...

Và hằng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, bao nhiêu thế hệ học sinh đã giữ tròn đạo học, gửi gắm tình cảm và lòng tri ân của mình đến với thầy, cô giáo, đặc biệt là những thầy cô giáo cũ: “20-11 năm ấy/ Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi/ Cô tôi mặc áo dài trắng/ Tóc xanh cài một nụ hồng”. Bây giờ thì trò đã trưởng thành và thầy cô xưa cũng đà luống tuổi: “Nụ hoa hồng ngày xưa ấy/ Xuân sang, thầy đã bốn mươi/ Mái tóc chuyển màu bụi phấn/ Nhành hoa cô có còn cài?” (“Hoa và ngày 20-11” - Phan Thị Thanh Nhàn); nhưng đạo thầy trò vẫn lưu giữ mãi trong tim: “Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi/ Lại lắng từng câu/ Lại nhập từng lời/ Cái giọng nói một đời không quên được/ Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt/ Hai mươi bốn năm rồi mãi ấm trong con” (“Thăm thầy giáo cũ” - Nguyễn Bùi Vợi)...

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm