Chủ Nhật, 08/12/2024 10:59

Giải pháp nào giúp quản lý và giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy?

06/11/2024 - 09:21 | Xã hội

An toàn giao thông tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện nhằm nâng cao an toàn và giảm thiểu tai nạn liên quan đến xe máy.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, tính đến tháng 9 năm 2024, đã có 77 triệu xe máy đăng ký. Trung bình cứ 10 phương tiện đi trên đường, đến 9 chiếc là xe máy. Đây là tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới, với tỷ lệ và số lượng lớn như vậy, xe máy cũng liên quan tới 60 – 70 % số vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam. Đây là những con số cập nhật vừa được đưa ra ngày hôm nay trong chương trình Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" tại Hà Nội, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế.

Tai nạn giao thông liên quan đến xe máy đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Một trong những nhược điểm của xe máy đó là độ an toàn thấp, thêm vào đó là ý thức của người đi xe máy. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ việc vi phạm những quy tắc giao thông rất cơ bản, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, kẹp ba, kẹp bốn hay người lái chưa đủ điều kiện để điều khiển xe.

"Thách thức lớn nhất liên quan đến vấn đề an toàn giao thông tại Việt Nam vẫn là ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Thứ hai là năng lực và khả năng thực thi pháp luật trong việc bảo đảm trật tự và an toàn giao thông. Đây không chỉ là một thách thức của riêng Việt Nam hay chỉ ở thời điểm hiện tại mà có lẽ sẽ tiếp tục là thách thức trong tương lai, đặc biệt ở những quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe máy cao hoặc đang trong quá trình "xe máy hóa" để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân", ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Các đối tượng bị triệu tập do tụ tập, chạy xe tốc độ cao đâm vào một phụ nữ đang dừng xe chờ đèn đỏ, khiến nạn nhân tử vong

Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ, khi bắt đầu thực hiện Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng đồ cồn, có không ít ý kiến trái chiều, cho rằng mức phạt quá nặng, xử lý quá nghiêm. Tuy nhiên, sau một thời gian, xã hội đã dần hình thành một giá trị văn hóa mới: đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nếu biết tối nay sẽ đi nhậu, mọi người thường đi taxi hoặc nhờ người khác đón. Vấn đề cốt lõi vẫn là phải thực thi nghiêm túc. Quy định pháp luật đã có sẵn, nhưng để những quy định này thực sự đi vào cuộc sống và trở thành những giá trị được xã hội công nhận, cần quyết liệt thực hiện.

Theo TS. FangFang Luo, chuyên gia về các vấn đề pháp chế, an toàn và giao thông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam cần bổ sung thêm các chính sách và quy định nhằm tăng cường an toàn giao thông cho xe máy. Các biện pháp này cần được triển khai đồng bộ, đặc biệt tập trung vào quy tắc lái xe an toàn, quy định an toàn cho tất cả người ngồi trên xe máy, đội mũ bảo hiểm đúng quy định và đạt chuẩn, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng xe máy.

Ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết về những thách thức liên quan đến vấn đề an toàn giao thông tại Việt Nam

"Theo quy định hiện nay, nhóm tuổi từ 16 đến 18 được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và xe máy có dung tích nhỏ hơn 50cc một cách hợp pháp mà không cần bằng lái. Tuy nhiên đối với nhóm tuổi này, kiến thức, kỹ năng chưa được như người trưởng thành. Nếu các em độc lập tham gia điều khiển phương tiện trong điều kiện giao thông hỗn hợp như người trưởng thành, rõ ràng rủi ro đối với các em sẽ cao hơn rất nhiều", ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.

"Một thực tế đáng buồn nhưng cũng đáng suy ngẫm là lần đầu tiên, số người tử vong do tai nạn giao thông khi điều khiển mô tô, xe máy, xe ba bánh đã trở thành nhóm cao nhất, chiếm tới 30% tổng số người tử vong vì tai nạn giao thông phân chia theo các loại phương tiện. Chính vì vậy, tại Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: những thách thức và bài học kinh nghiệm", các chuyên gia cũng đã thảo luận các giải pháp công nghệ để cải thiện tình trạng này. Tại Đài Loan, Trung Quốc, họ đã ứng dụng rô-bốt và trí tuệ nhân tạo trong việc giám sát và phân tích hành vi giao thông tại các nút giao, từ đó đưa ra các giải pháp kiểm soát và điều khiển giao thông. Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị rằng cần nâng cao chất lượng và năng lực của hệ thống vận tải công cộng, giúp người dân có thêm các lựa chọn an toàn và tiện lợi hơn", ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ về việc tham gia giao thông ở nhóm tuổi 16-18

Cũng theo ông Hùng, tại Hội thảo, các chuyên gia đều thống nhất là cần nâng cao năng lực thể chế, có nghĩa là phải hoàn thiện các quy định pháp luật: từ quy định về mũ bảo hiểm, hệ thống phanh an toàn, đến quy định giảm tốc độ trong khu dân cư. Cần xây dựng quy định, thiết lập cơ chế tổ chức, có lực lượng thực thi và áp dụng chế tài nghiêm minh. Nâng cao năng lực thể chế được xem là giải pháp quan trọng nhất trong công tác bảo đảm an toàn giao thông nói chung, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề an toàn cho người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy.

"Tại các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xe máy như Việt Nam, việc phát triển giao thông công cộng khá khó khăn.Ví dụ, tại Hà Nội, khi chỉ có xe buýt, tỷ lệ người dân đi xe máy chuyển sang đi xe buýt rất thấp. Tuy nhiên, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành, khảo sát cho thấy khoảng 40% hành khách trên tuyến này từng là người đi mô tô, xe máy và đã chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Điều này cho thấy, để giao thông công cộng thu hút người dân hơn so với xe máy, hệ thống vận tải công cộng cần đạt một mức độ phát triển nhất định. Phương tiện công cộng phải an toàn hơn, nhanh chóng, đúng giờ và thuận tiện, người dân mới sẵn sàng chuyển đổi", ông Khuất Việt Hùng nhận định.

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia, xe máy vẫn là phương tiện quan trọng. Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng xe máy tăng lại kéo theo số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy tăng lên. Số liệu mới nhất vừa đưa ra ngày 3/11/2024, trên toàn thế giới, mô tô, xe máy là phương tiện giao thông gây ra số ca tử vong nhiều nhất. Còn ở Việt Nam, bên cạnh những thành tựu lớn về an toàn giao thông đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chúng ta vẫn còn những khoảng trống trong chính sách cần phải có những giải pháp mới, toàn diện hơn, bền vững hơn để bảo vệ những người tham gia giao thông.

Theo VTV.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm