Banner

Cần làm gì để Việt Nam hoàn thành mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030?

Chính kỳ thị đang khiến rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã không dám đi điều trị tại các cơ sở y tế, khiến công tác điều trị và phòng tránh lây nhiễm càng trở nên khó khăn.

Việt Nam là 1 trong số ít các quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt và hiệu quả hàng đầu thế giới. Liên tiếp trong hơn 10 năm qua, HIV/AIDS tại Việt Nam đã giảm ở cả 3 tiêu chí là: số người mới phát hiện nhiễm HIV, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.

 

Có thể nói, Việt Nam đã kịp thời ngăn chặn những tác động khủng khiếp hơn nữa của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, mỗi năm, Việt Nam vẫn có 10.000 người nhiễm HIV mới, chưa kể tới 50.000 người nhiễm chưa biết chính xác về tình trạng của mình, chưa được điều trị một cách quy củ bởi hệ thống y tế.

 

Trong 20 năm điều trị HIV/AIDS, một trong những thành công lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam chính là 99% các cơ sở điều trị đã được kiện toàn và đang cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS từ quỹ bảo hiểm y tế. Trong số 250.000 người nhiễm HIV hiện đang sống, khoảng 140.000 người được điều trị bằng thuốc ARV.

 

Hiện nay, đã có 469 cơ sở điều trị HIV/AIDS, trong đó có hơn 300 cơ sở là ở tuyến huyện kể cả ở những huyện vùng sâu vùng xa và cả các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Với nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội, người bệnh trung bình hàng tháng giảm 10km đoạn đường đi lấy thuốc ARV. Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số ca tử vong.

 

Năm 2009, số ca nhiễm HIV tử vong hàng năm là 7000-8000 ca, đến nay là 1000-2000 ca mỗi năm. Ngoài ra, khi người nhiễm HIV dùng ARV có lượng HIV dưới 200 bản sao/ml máu thì ko lây cho người khác qua quan hệ tình dụng, giúp tránh được hàng trăm nghìn ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

 

Việc đưa điều trị ARV cho những người sống với HIV vào trong bảo hiểm y tế là điểm quan trọng đối với mục tiêu chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Có thể còn nhiều thách thức trong tương lai, về việc tiếp tục mở rộng quy mô, phải tiếp cận được những người bị bỏ lại phía sau, những người cuối cùng. Đấy còn là vấn đề kỳ thị có thể khiến mọi người tránh xa việc tiếp cận dịch vụ điều trị và các khó khăn ngay chính trong hệ thống bảo hiểm y tế, do vậy, các thách thức này cần phải được xem xét. Cần đảm bảo đầy đủ nguồn lực, bao gồm nguồn nhân lưc và tài chính cần được duy trì.

 

Theo VTV.VN