Thứ Sáu, 25/04/2025 15:40

Không thể lơ là

21/04/2025 - 08:39 | Văn hóa - thể thao

Mới đây, Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam đã ra thông báo về án phạt cấm thi đấu đối với 4 vận động viên (VĐV) thể hình vì sử dụng chất cấm trong hoạt động thể thao (doping). Điều đó đặt ra yêu cầu thường xuyên, liên tục duy trì cường độ và sự chủ động trong hoạt động phòng, chống doping.

xet-nghiem.jpg

VĐV trẻ làm trắc nghiệm kiến thức về doping tại một giải đấu. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chỉ tuyên truyền thôi là chưa đủ

Cuối năm 2024, tại Giải vô địch thể hình quốc gia diễn ra tại Cà Mau, Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam đã lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên và phát hiện 4 trường hợp dương tính (2 VĐV của thành phố Hồ Chí Minh, 1 VĐV Lâm Đồng, 1 VĐV Đồng Nai).

Sau khi thực hiện các bước theo quy trình, cuối tuần qua, Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam đã công bố chính thức lệnh cấm thi đấu 3 năm (từ ngày 17-12-2024 tới hết ngày 16-12-2027) đối với 4 VĐV nói trên. Trong khoảng thời gian này, các VĐV nói trên không được tham gia các cuộc thi đấu, hoạt động thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế (ngoại trừ chương trình giáo dục về phòng, chống doping) với bất kỳ tư cách gì. Bên cạnh đó, họ cũng bị hủy bỏ thành tích thi đấu và thu hồi huy chương, tiền thưởng (nếu có) tại Giải vô địch thể hình quốc gia năm 2024.

Việc xác định được những VĐV dương tính với doping tại một giải đấu thể thao quốc gia là kết quả của nỗ lực bảo đảm sự công bằng trong các giải đấu thể thao thuộc hệ thống thi đấu quốc gia. Bên cạnh việc tuyên truyền, tổ chức tập huấn nhằm cung cấp kiến thức về phòng, chống doping cho một số đội tuyển quốc gia, phía ngành Thể thao cũng như Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam xác định rằng, cần phải lấy mẫu xét nghiệm doping tại một số giải đấu. Vì thế, dù kinh phí còn eo hẹp nhưng Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam vẫn tổ chức xét nghiệm doping ngẫu nhiên với khoảng 30 mẫu tại một số giải đấu quốc gia về thể hình, bơi, điền kinh, cử tạ... Đây là các môn cá nhân, từng có nhiều trường hợp "dính" doping với mức độ và nguyên nhân khác nhau.

Điều này lại thêm một lần cho thấy nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý trong ngành Thể thao, rằng vẫn cần kết hợp cả khâu tuyên truyền lẫn xét nghiệm ngẫu nhiên ở các giải đấu để hạn chế tối đa các ca dương tính với doping trong làng thể thao Việt Nam.

Tăng cường xét nghiệm

Không dễ để có một môi trường "sạch" trong thi đấu thể thao đỉnh cao nếu không duy trì hệ giải pháp phù hợp. Trong thực tế, số liệu về việc VĐV Việt Nam "dính" doping, dù chưa phản ánh đầy đủ tình trạng sử dụng doping - vô tình hay hữu ý - rất đáng chú ý. Như tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, kết quả kiểm tra gần 200 mẫu thử được thực hiện cho thấy có 17 mẫu thử dương tính với doping. Tại SEA Games 31 - năm 2022, thể thao Việt Nam có 6 trường hợp thuộc đội tuyển điền kinh "dính" doping. Ngoài ra, khi thực hiện kiểm tra trước SEA Games 31 đã phát hiện 6 VĐV thể hình sử dụng chất bị cấm trong hoạt động thể thao...

Theo bác sĩ thể thao Phạm Mạnh Hùng, người từng gắn bó nhiều năm với các đội tuyển thể thao quốc gia cũng như các CLB thể thao Hà Nội, hiện tại, dù đa số VĐV có nhận thức rõ ràng về hậu quả của việc sử dụng chất cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao nhưng vẫn có nhiều người vi phạm quy định - cả vô tình và có chủ ý. Bởi thế, bên cạnh việc cập nhật thông tin, thường xuyên tổ chức tập huấn cho các HLV, VĐV từ trung ương đến địa phương, câu lạc bộ, rất cần có những biện pháp mạnh hơn, trong đó có việc tổ chức xét nghiệm doping liên tục, thường xuyên ở các giải đấu, thậm chí cả trong giai đoạn VĐV chuẩn bị cho giải đấu.

Giám đốc Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam Lê Minh Hà từng chia sẻ về mong muốn tăng số lượng mẫu xét nghiệm doping tại các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, bởi đây là giải pháp có tính răn đe rất cao. Tuy nhiên, rào cản đối với phần việc cần làm này là nguồn kinh phí còn hạn chế. Chi phí trung bình để hoàn thành việc xét nghiệm đối với một mẫu thử doping vào khoảng 200 USD. Do kinh phí có hạn nên hiện nay, việc mỗi năm Trung tâm phòng, chống doping Việt Nam tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với 30 trường hợp đã cần sự nỗ lực lớn. Nếu muốn tổ chức xét nghiệm nhiều hơn, thường xuyên hơn thì ngoài nguồn kinh phí được cấp, cần sự chung tay vào cuộc từ phía các đơn vị chủ quản VĐV hay các liên đoàn thể thao.

Trưởng phòng Thể thao thành tích cao (Cục Thể dục thể thao Việt Nam) Hoàng Quốc Vinh đồng tình với quan điểm tăng cường xét nghiệm doping ngẫu nhiên ở nhiều bộ môn. Đây cũng là cách truyền đi thông điệp rõ ràng của ngành Thể thao trong cuộc đấu không khoan nhượng với tình trạng sử dụng chất cấm trong tập luyện, thi đấu.

Không dễ để hạn chế tình trạng sử dụng doping trong thể thao nhưng cũng không đến nỗi bất khả thi trong việc này. Quan trọng vẫn là quyết tâm của nhà quản lý cả trong lời nói và giải pháp cụ thể bên cạnh sự trông chờ vào ý thức của HLV, VĐV.

Theo Báo Hànộimới

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm