Thứ Năm, 29/05/2025 17:44

Điều gì khiến ngành game Việt Nam bứt phá mạnh mẽ?

28/05/2025 - 08:57 | Khoa học - Công nghệ

Việt Nam đang chứng minh rằng mình không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là trung tâm sáng tạo và vận hành game đáng chú ý của khu vực châu Á.

Ngành công nghiệp game Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, không chỉ về doanh thu mà còn ở sự chuyên nghiệp trong vận hành, bản sắc nội dung và sức lan tỏa cộng đồng. Điều gì đang tạo nên cú hích cho một thị trường từng bị đánh giá là "người tiêu dùng thụ động" trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà phát triển toàn cầu?

Thị trường tăng trưởng nhanh, cộng đồng bền vững

Theo báo cáo của DataReportal 2024, Việt Nam có hơn 47,5 triệu người chơi game, chiếm khoảng 48% dân số. Đáng chú ý, thời gian trung bình dành cho game trên thiết bị di động của người dùng Việt lên đến 3,9 giờ/ngày, cao hơn mức trung bình khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng của thanh toán số, đặc biệt là ví điện tử như MoMo, ZaloPay, AppotaPay cũng tạo điều kiện thuận lợi để game thủ chi tiêu nhanh chóng và tiện lợi.

Dữ liệu nội bộ từ Gamota cho thấy, cộng đồng game thủ không chỉ phát triển về số lượng mà còn có mức độ gắn bó cao. Nhiều tựa game đã duy trì tuổi đời vận hành lên đến 5 - 7 năm, với tỷ lệ giữ chân người chơi (retention) cao hơn mặt bằng chung khu vực.

Điển hình như Tru Tiên 3D Mobile, tựa game ra mắt từ năm 2017 vừa nhận được giải thưởng Game vượt thời gian do Việt Nam GameVerse 2025 trao tặng, hiện vẫn sở hữu cộng đồng thảo luận tích cực mỗi ngày.

Bản địa hóa - chiến lược giúp game "sống khỏe" tại Việt Nam

Trái với quan niệm game tại Việt Nam chỉ được nhập khẩu và phát hành đơn thuần, các nhà phát hành hiện nay đang đóng vai trò lớn trong quá trình "kiến tạo sản phẩm" thông qua vận hành, bản địa hóa, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng.

Nếu chỉ đơn thuần dịch ngôn ngữ, nhiều tựa game quốc tế đã không thể tạo dấu ấn tại Việt Nam. Một số hãng phát hành đã áp dụng phương pháp chuyển hóa văn hóa trong game để tạo ra sự cộng hưởng với người chơi Việt.

Điều gì khiến ngành game Việt Nam bứt phá mạnh mẽ? - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Trang - CEO Gamota - nhận giải thưởng Game của năm tại Việt Nam GameVerse 2025

Chẳng hạn, trong Tiếu Ngạo, thay vì để nguyên tên vật phẩm theo kiểu Trung Quốc, Gamota sử dụng những tên gọi gần gũi như "Cửu Chuyển Hoàn Hồn Đan", đồng thời điều chỉnh lời thoại, giao diện và cách xây dựng bang hội để người chơi Việt cảm thấy thân thuộc. Theo công ty, những chi tiết nhỏ như vậy có thể giúp tăng tỷ lệ giữ chân người chơi thêm 10 - 15%, đồng thời cải thiện giá trị vòng đời người dùng (LTV) lên đến 40%.

Ngoài ra, theo số liệu thử nghiệm từ Gabros Studio, các chiến dịch quảng bá sử dụng tiếng lóng, meme, tục ngữ Việt hay hợp tác cùng streamer bản địa giúp chi phí quảng cáo giảm đến 60%, trong khi tỷ lệ tải game tăng gấp 2,5 lần.

Nhân lực bản địa đang được "ươm mầm" bài bản

Một trong những điểm sáng đáng chú ý là ngành game Việt đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực trẻ từ các ngành công nghệ, thiết kế đồ họa, marketing và truyền thông. Nhiều công ty đã triển khai chương trình đào tạo nội bộ theo chuẩn quốc tế, bao gồm: quản lý sản phẩm, vận hành sự kiện, chăm sóc cộng đồng, bản địa hóa nội dung và quản lý KOL.

Cùng với xu hướng này, các trường đại học cũng đã bắt đầu tích hợp ngành game vào chương trình đào tạo, kết hợp thực tập doanh nghiệp, mở rộng đầu ra nghề nghiệp cho sinh viên. Đây là nền tảng cần thiết để đảm bảo tính bền vững cho một ngành vốn có tốc độ đổi mới liên tục.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học đã mở ngành hoặc chuyên ngành liên quan đến phát triển game, tiêu biểu như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) - nơi đầu tiên đào tạo chính quy ngành Thiết kế và Phát triển game tại Việt Nam. Các trường quốc tế như RMIT Việt Nam hay Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cũng cung cấp chương trình chuẩn quốc tế về thiết kế và lập trình game.

Sự tham gia ngày càng đông đảo của sinh viên trong lĩnh vực này không chỉ cho thấy sức hút nghề nghiệp mà còn đảm bảo một thế hệ nhân lực trẻ được đào tạo bài bản, sẵn sàng gia nhập ngành. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp thị trường game Việt phát triển bền vững trong dài hạn.

Như vậy, có thể thấy, sự cất cánh của ngành game Việt Nam không chỉ là kết quả của nhu cầu thị trường mà còn đến từ hệ sinh thái vận hành chuyên nghiệp, chiến lược nội địa hóa sâu sắc và sự đầu tư bài bản vào nhân lực.

Theo VTV.VN

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm