Thứ Bảy, 10/05/2025 13:07

Ngành công nghiệp game Việt Nam: "Mỏ vàng" tiềm năng của nền kinh tế số

10/05/2025 - 07:59 | Khoa học - Công nghệ

Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường game năng động nhất Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Tiktok và Sensor Tower, ngành công nghiệp game Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, với doanh thu được dự đoán đạt 1,66 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng đều 9,77% mỗi năm, chạm mốc 2,42 tỷ USD vào năm 2029.

Với tốc độ phát triển ấn tượng, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường game năng động nhất Đông Nam Á. Theo Bloomberg, Việt Nam xếp thứ 5 khu vực về doanh thu và nằm trong top 5 quốc gia sản xuất game di động hàng đầu thế giới năm 2023, với 4,2 tỷ lượt tải toàn cầu, cao gấp 2,5 lần mức trung bình thế giới.

Báo cáo "Digital 2024: Vietnam" của DataReportal cũng cho thấy, đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, chiếm hơn 78% dân số, phản ánh sự phổ biến của các hoạt động số, đặc biệt là chơi game. Bên cạnh đó, lượng khán giả thể thao điện tử (Esports) tại Việt Nam đã vượt mốc 10 triệu người, tăng mạnh so với 8,3 triệu năm 2022, khẳng định sức hút và tiềm năng của ngành game trong việc kết nối cộng đồng và tạo ra giá trị kinh tế.

Hợp tác quốc tế - chìa khóa để mở rộng thị trường

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hợp tác giữa các công ty game quốc tế và doanh nghiệp game trong nước đã trở thành động lực quan trọng , giúp tối ưu hóa nguồn lực, chia sẻ công nghệ và mở rộng thị trường. Các "ông lớn" như Roblox, Nexon, Tencent và Riot Games đang đẩy mạnh hiện diện tại Đông Nam Á, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, am hiểu công nghệ và thị trường nội địa đầy tiềm năng của Việt Nam.

Đơn cử, Garena (thuộc Sea Group) hợp tác với Tencent để phát hành Call of Duty: Mobile tại Đông Nam Á, tạo nên cơn sốt nhờ đồ họa ấn tượng và lối chơi cuốn hút. Tương tư, hợp tác giữa Tencent và Krafton từ năm 2023 đã giúp PUBG Mobile tăng thêm 15% doanh thu tại châu Á trong vòng 6 tháng nhờ công nghệ tối ưu hóa, theo báo cáo của Tencent và Newzoo.

Tại Việt Nam, VNGGames đã liên tiếp đạt được hợp tác chiến lược cùng với những "ông lớn" toàn cầu. Mới đây nhất, tháng 3/2025, công ty cùng với Webzen và Kingnet công bố phát hành MU Lục Địa VNG, mang thương hiệu game huyền thoại này đến gần hơn với người chơi khu vực. Trước đó, tháng 8/2024, VNGGames liên doanh với NCSOFT (Hàn Quốc) thành lập NCV Games, độc quyền phát hành các tựa game MMORPG nổi tiếng như Lineage 2M tại 6 thị trường Đông Nam Á. Đáng chú ý, họ hợp tác với "đế chế game UCG toàn cầu" Roblox Corporation để phát hành Roblox - VNG, giúp xây dựng một cộng đồng game sáng tạo, an toàn và phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Những hợp tác này không chỉ giúp các doanh nghiệp nội đa dạng hóa danh mục sản phẩm mà còn mang lại trải nghiệm game chất lượng cao cho người chơi bản địa, với sự hỗ trợ từ đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Điều này góp phần xây dựng một hệ sinh thái game bền vững, nơi người chơi không chỉ là người tiêu dùng mà còn là thành viên của cộng đồng sáng tạo.

Chung tay xây dựng giá trị ngành game

Năm 2024, ngành công nghiệp game toàn cầu đạt quy mô 187,7 tỷ USD, trong đó nền tảng di động chiếm gần một nửa tổng doanh thu. Khu vực Đông Nam Á duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, với Việt Nam nổi bật là thị trường đang tiệm cận mốc doanh thu 1 tỷ USD, trong đó 70% đến từ các nhà phát hành trong nước.

Esports có thể coi là động lực tiên phong cho ngành công nghiệp game. Theo Statista, doanh thu thị trường Esports tại Việt Nam dự kiến đạt 7,2 triệu USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 9,72% trong giai đoạn 2025 - 2029, đạt mức 10,4 triệu USD vào năm 2029. Số lượng người dùng Esports tại Việt Nam dự kiến tăng lên 11,2 triệu vào năm 2029, với tỷ lệ thâm nhập người dùng tăng từ 9,4% năm 2025 lên 10,9% năm 2029.

Hiện nay, các doanh nghiệp game Việt Nam đang đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối giữa các nhà phát triển, người chơi và thị trường. Bên cạnh việc phát hành, các doanh nghiệp game Việt còn chú trọng đầu tư vào việc sản xuất game, hỗ trợ các tài năng trẻ, tạo động lực thúc đẩy ngành game phát triển. Theo Sensor Tower và CLB Game Studio Việt Nam, các tựa game do Việt Nam sản xuất và phát hành toàn cầu ước tính mang về 200 triệu USD/năm, minh chứng cho sức sáng tạo và tiềm năng cạnh tranh quốc tế.

Sự phát triển của Esports không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như tổ chức sự kiện, streaming, và sáng tạo nội dung. Các doanh nghiệp như VNGGames đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Esports tại Việt Nam. Với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành của VIRESA, VNGGames đã tổ chức và tài trợ nhiều giải đấu Esports quy mô lớn, giúp các đội tuyển Việt Nam vươn ra sân chơi quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ Esports toàn cầu. Những nỗ lực này cũng giúp xóa bỏ định kiến, thay đổi nhận thức xã hội về ngành game, từ một lĩnh vực giải trí đơn thuần thành một ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Theo VTV.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm