Thứ Bảy, 10/05/2025 13:55

Phát triển công nghiệp văn hóa - ‘Đòn bẩy’ chiến lược để du lịch Ninh Bình cất cánh

10/05/2025 - 07:58 | Văn hóa - thể thao

Để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao, đạt được những thành tựu mới, chúng ta cần một “cú hích”, một đòn bẩy chiến lược - và đó chính là công nghiệp văn hóa.

Phát triển công nghiệp văn hóa - ‘Đòn bẩy’ chiến lược để du lịch Ninh Bình cất cánh- Ảnh 1.

Hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh". Ảnh: Báo Ninh Bình

Ngày 9/5, tại thành phố Hoa Lư, Ninh Bình, hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh" đã diễn ra với nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đây sẽ là định hướng của chính sách, chiến lược phù hợp để Ninh Bình trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu. Về phía tỉnh Ninh Bình có Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Cao Sơn; Bí thư Thành ủy Hoa Lư Đinh Văn Tiên, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh.

Tiếp tục đánh thức kho di sản văn hoá

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho biết, Ninh Bình là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và văn hoá đa dạng, phong phú, trên nền cảnh quan đặc sắc, kết tinh bề dày lịch sử văn hoá nhân loại và dân tộc Việt Nam, nơi từng là Kinh kỳ - Đô hội. Dựa trên những lợi thế đó, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành "công nghiệp không khói" một cách mạnh mẽ, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn giúp cho du lịch Ninh Bình thăng hoa phát triển.

Phát triển công nghiệp văn hóa - ‘Đòn bẩy’ chiến lược để du lịch Ninh Bình cất cánh- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Ninh Bình

Phát triển công nghiệp văn hoá là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở để Ninh Bình luôn kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Sơn, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình xác định cần tiếp tục đánh thức kho di sản văn hoá, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hoá bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề...

Phát triển công nghiệp văn hóa - ‘Đòn bẩy’ chiến lược để du lịch Ninh Bình cất cánh- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Ninh Bình

Yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà Ninh Bình được mệnh danh là "viên ngọc của du lịch Việt Nam" bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, lưu giữ tầng tầng lớp lớp giá trị văn hóa từ cố đô Hoa Lư đến các đền đài, chùa cổ, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công, đời sống tâm linh đặc sắc.

Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch nước ta. Tuy nhiên, như nhiều địa phương khác, Ninh Bình vẫn đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi mạnh mẽ để phát triển theo chiều sâu - không chỉ tăng trưởng về lượng mà cần bứt phá về chất, trong đó yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược và đặc biệt chiến lược phát triển du lịch văn hóa.

Tại Việt Nam, Bộ VHTTDL đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên và nhiều nhóm ngành có tiềm năng phát triển, trong đó du lịch văn hóa được coi là lĩnh vực có khả năng tích hợp và lan tỏa lớn nhất. Sự kết hợp giữa giá trị, không gian văn hóa và sáng tạo hiện đại chính là hướng đi bền vững để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành du lịch.

Ninh Bình có đủ điều kiện để để trở thành điểm sáng thực hiện mô hình này. Để làm được điều này, cần nhìn nhận văn hóa là một loại tài nguyên đặc biệt, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, lực lượng tiên phong thúc đẩy du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng nguồn nhân lực du lịch văn hóa và tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, Ninh Bình cần xây dựng bộ đo về phát triển du lịch văn hóa bền vững của riêng mình.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm chia sẻ, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, du lịch Ninh Bình cần tiếp tục bứt phá về chất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa.

"Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch "cất cánh", địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo. Chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt phạm vi địa phương. Ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ đo về chỉ số phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên", Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Phát triển công nghiệp văn hóa - ‘Đòn bẩy’ chiến lược để du lịch Ninh Bình cất cánh- Ảnh 4.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Ninh Bình

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp

Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu, Ninh Bình có nhiều lợi thế phát triển du lịch như: Nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; có vị trí địa lý gần Hà Nội, trung tâm trung chuyển du lịch của cả nước và Quảng Ninh, đầu mối đón lượng lớn khách du lịch Trung Quốc hằng năm; giao thông thuận tiện, nằm ở cửa ngõ miền bắc, kết nối thông suốt với các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam; có nhiều kinh nghiệm trong việc kết hợp công - tư trong phát triển du lịch; việc được quy hoạch trở thành một trong những tỉnh nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình cũng góp phần tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho du lịch Ninh Bình.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, để góp phần nâng cao vị thế, vai trò của du lịch Ninh Bình trong khu vực động lực phát triển của vùng cần tập trung triển khai đánh giá tài nguyên du lịch của tỉnh, định hướng phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, chiến lược xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch… Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú cao sao, cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách du lịch, từng bước kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch trên địa bàn tỉnh với phương châm "tăng thêm một đêm".

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, sản phẩm dịch vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát triển du lịch xanh, du lịch số, du lịch tuần hoàn; nghiên cứu thị hiếu của khách du lịch tại những thị trường du lịch trọng điểm, thị trường mục tiêu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đồng thời tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, đặc biệt là những tỉnh nằm trong khu vực động lực để phát triển du lịch địa phương, đồng thời dẫn dắt các địa phương khác trong vùng cùng phát triển. Nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch Tràng An, Tam Chúc là khu du lịch quốc gia nhằm góp phần nâng cao thương hiệu du lịch địa phương.


Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem thêm